Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Hợp tác xã Nấm Hòa Tiến tạo việc làm cho người dân vùng tái định cư

Filled under:

Tao viec lam cho nguoi dan vung tai dinh cu o Da Nang

Chị Trương Thị Giáo, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang đang tạo phôi, sản xuất nấm rơm.

Đa dạng hóa các ngành nghề cho nông dân
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Đà Nẵng, thời gian qua, việc đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động trên địa bàn, nhất là những người thuộc diện di dời, giải tỏa, tái định cư đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Qua năm năm triển khai Đề án giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi trên địa bàn TP Đà Nẵng (2006-2010), đã có hơn 161 nghìn lao động được giải quyết việc làm; trung bình, mỗi năm giải quyết việc làm ổn định cho hơn 32 nghìn lao động. Trong đó, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương đã tạo cơ hội việc làm cho 124 nghìn lao động, chiếm 77% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Hiện nay, toàn TP Đà Nẵng có 53 cơ sở dạy nghề, bốn trường cao đẳng nghề, tám trường trung cấp nghề và các cơ sở khác đào tạo 122 nghề. Khẳng định về tầm quan trọng của việc đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng tái định cư, Giám đốc Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết: Thời gian qua, thành phố đã chi hơn 17 tỷ đồng để hỗ trợ các đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa nhằm tạo việc làm mới, ổn định cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2020, Đà Nẵng có khoảng 65% số lao động nông thôn mất đất sản xuất, diện di dời, giải tỏa được đào tạo nghề và có việc làm ổn định.
Đà Nẵng là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. Đằng sau hàng nghìn dự án được đầu tư, làm mới là cuộc sống của hàng chục nghìn người dân bị ảnh hưởng. Vì vậy, vấn đề này được cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm giải quyết nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Theo đó, việc bảo đảm quyền lợi thiết thực của người dân khi bị di dời, ảnh hưởng là ưu tiên hàng đầu, như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn cho nông dân. Đối với những hộ buôn bán nhỏ ở nông thôn, nếu không có vốn, sẽ vận động và hỗ trợ về vốn. Riêng những hộ nông dân nghèo được hỗ trợ về cây, con giống để họ có thể chuyển đổi ngành nghề. Các địa phương chịu ảnh hưởng nhiều của quá trình đô thị hóa là các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, trong đó huyện Hòa Vang là địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất trong việc di dời, giải tỏa với 12 dự án đã hoàn thành, thu hồi hơn 614 ha đất nông nghiệp, hiện có 39 dự án đang triển khai, thu hồi gần 3.885 ha đất và sẽ thu hồi thêm 1.570 ha đất cho tám dự án đã được phê duyệt sẽ triển khai trong thời gian tới. Các dự án này ảnh hưởng đến khoảng 40% dân số toàn huyện, kéo theo hơn 40 nghìn lao động cần được đào tạo và chuyển đổi ngành nghề. Như quận Sơn Trà đã phải di dời, giải tỏa gần 40 nghìn ha đất nông nghiệp, hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Còn quận Cẩm Lệ, dù mới thành lập hơn năm năm nhưng số dân nằm trong khu vực giải tỏa để chỉnh trang đô thị cũng rất lớn. 77 dự án trên toàn quận đang triển khai đã ảnh hưởng tới hơn 10 nghìn hộ dân, riêng phường Hòa Xuân phải giải tỏa trắng với hơn ba nghìn hộ dân phải di dời, tái định cư. Những hộ dân này phần lớn làm nghề nông, đều ở ngoài độ tuổi lao động.
Nắm bắt nhu cầu thiết thực của người dân sau khi ổn định cuộc sống tái định cư, các cấp chính quyền Đà Nẵng cùng bắt tay giải quyết bài toán việc làm. Các trung tâm, cơ sở dạy nghề đều nhắm vào đối tượng lao động nông thôn độ tuổi từ 40 đến 55. Tùy nhu cầu và đặc thù của từng địa phương, các trung tâm này đã dạy các nghề như nội trợ, may công nghiệp, điện dân dụng, cơ khí, điện lạnh, điện tử, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ... Đối với những ngành nghề không có giáo viên hướng dẫn, các trung tâm đã kết hợp với các doanh nghiệp, các trường nghề để mở lớp.
Kết quả bước đầu và những khó khăn
Tại vùng tái định cư phường Hòa Xuân, hiện nay người dân vừa hoàn thành việc xây dựng lại nhà ở, vừa tận dụng những diện tích đất đã bàn giao cho dự án nhưng chưa triển khai để tranh thủ trồng các loại rau, kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, theo học các lớp học làm nấm, cơ khí... để chuyển đổi ngành nghề. Thời gian qua, việc chuyển đổi ngành nghề cho người dân nơi đây đã được chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, bước đầu có những kết quả khả quan. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Võ Văn Thương cho biết: Với Đề án chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã giải quyết việc làm cho 7.959 lao động và đào tạo 1.717 người trong độ tuổi. Trong đó, lao động thuộc diện di dời, giải tỏa là 2.220 lao động và đào tạo 978 học viên. Quận tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân tại sáu điểm thuộc vùng giải tỏa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân; đồng thời làm cầu nối giữa người dân với doanh nghiệp trên địa bàn nhằm giới thiệu và bảo đảm cho người dân có việc làm ổn định sau khi học nghề. Từ đầu năm đến nay quận đã giải quyết được việc làm cho gần một nghìn lao động và dự kiến đến cuối năm sẽ giải quyết cho gần hai nghìn lao động. Có đến các cơ sở dạy nghề trồng nấm cho nông dân vùng giải tỏa ở Hòa Xuân, Hòa Minh, Hòa Tiến, mới thấu hiểu những khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề cho nông dân. Từ những câu lạc bộ nấm ban đầu được thành lập, đến nay Hội Nông dân TP Đà Nẵng đã vận động thành lập được ba Hợp tác xã (HTX) nấm với hàng trăm hội viên làm ăn có hiệu quả như HTX nấm An Hải Đông, HTX nấm Hòa Khánh Bắc, HTX nấm Hòa Tiến, HTX nấm Hải Vân Nam. Nhiều hộ nông dân đã giàu lên nhờ nấm, lại tiếp tục giúp nhiều hộ gia đình trong diện giải tỏa có thêm việc làm. Nhiều hộ dân ở vùng giải tỏa như Hòa Xuân, Hòa Tiến, Hòa Minh, Hòa Phước mặc dù tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ nhưng đã giải quyết được phần nào kinh tế của gia đình, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Cái khó và bế tắc hiện nay là việc tìm đầu ra lâu dài cho sản phẩm nấm của người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ gia đình được học nghề, nhiều hộ vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi bàn giao mặt bằng đất nông nghiệp. Ông Hồ Văn Tuấn thuộc tổ 13 phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, hiện đã bàn giao mặt bằng, đang ở nhà thuê để chờ đất tái định cư tại khu mới, trăn trở: Thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình chúng tôi đã bàn giao năm sào ruộng cho dự án Hòa Xuân, mà đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình với sáu miệng ăn. Hiện tại, vợ tôi không có việc làm, tiền công nghề thợ xây của tôi hằng tháng cũng chỉ đủ lo cho mấy đứa con ăn học. Nếu theo học nghề nấm hoặc trồng hoa, cây cảnh thì hiện nay cũng không có đất để sản xuất, cuộc sống sau giải tỏa rất bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Mai Hồng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất tổng hợp nấm Hòa Tiến, thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân vùng di dời, giải tỏa đến HTX để tìm hiểu và đăng ký học nghề trồng nấm linh chi, nấm sò, nấm rơm, hoa. Nhiều hộ sau khi học đã tiến hành sản xuất tại nhà với quy mô lớn, trừ chi phí, mỗi năm lãi bình quân hơn 50 triệu đồng. Tiêu biểu như các hộ: Nguyễn Đức Quý, Phạm Ngọc, Nguyễn Đức Đông ở thôn La Bông; hộ bà Nguyễn Thị Nga ở thôn Cẩm Nê. Đến thăm trang trại nấm của gia đình vợ chồng anh chị Phạm Ngọc, Trương Thị Giáo ở thôn La Bông, xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng), mới biết năm năm trở lại đây, gia đình anh chị giàu lên nhờ trồng nấm. Chị Trương Thị Giáo chia sẻ: "Gia đình đông con, kinh tế khó khăn, mọi thứ đều trông chờ ở năm sào ruộng, nay được học nghề trồng nấm rơm, kinh tế gia đình đã ổn định và có thêm ít vốn để đầu tư thêm trang trại. Mới đây, lại bị thu hồi thêm ba sào ruộng cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho nên mong Nhà nước tạo điều kiện cho người dân vùng giải tỏa có được công ăn việc làm ổn định, cho vay thêm nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm.
Chuyển đổi ngành nghề nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng. Nhưng bài toán đặt ra là, đối với những gia đình hết tuổi lao động, thì việc tiếp cận nghề mới thật khó. Ông Nguyễn Văn Hoàng, 60 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng chia sẻ: Với những hộ dân trong vùng di dời giải tỏa mà tuổi lớn như tôi thì đi học nghề rất khó khăn, vì chúng tôi đã quen với việc đồng áng. Hiện nay, gia đình tôi đang thuê đất ở Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) để sản xuất nấm, nhưng chỉ thuê được một thời gian ngắn thôi vì nghe đâu ở đó cũng có một dự án mới sắp triển khai. Đối với nông dân, không dễ tìm được một việc làm khác thay cho làm ruộng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc chuyển đổi ngành nghề cho dân vùng tái định cư, vẫn còn đó nhiều nỗi lo đè nặng lên vai những người nông dân vùng giải tỏa. Việc vận động những người độ tuổi từ 40 đến 55 đến lớp học không dễ, mặt khác do tâm lý e ngại trình độ không đồng đều đã khiến nhiều hộ nông dân chưa mạnh dạn tìm hiểu, học nghề. Cần phân chia rõ các đối tượng, độ tuổi, đào tạo những ngành nghề phù hợp để người dân sống được với nghề. Hiện nhiều hộ dân sau khi học cách trồng nấm, trồng hoa phải đi thuê mặt bằng để đầu tư, sản xuất, nhưng về lâu dài thành phố cần dành phần diện tích đất cụ thể cho người dân sản xuất. Có như vậy, mới thật sự giúp dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững.
Nguồn: Báo mới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét